Đại học Johns Hopkins hôm nay cho biết 1.196.553 người đã nhiễm nCoV, trong đó 64.549 người chết, tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 102.485 ca nhiễm và 5.762 ca tử vong so với hôm trước. 246.108 người đã hồi phục, chủ yếu tại Trung Quốc.
Mỹ thông báo 305.820 ca nhiễm, tăng 27.867 ca so với hôm trước, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.139 người tử vong hôm qua, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 8.291.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất với 113.704 ca nhiễm, tăng 10.841, trong đó 3.565 người chết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang xem xét chuyển mục đích của hai tàu bệnh viện USNS Comfort tại New York và USNS Mercy tại Los Angeles sang điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV , dù hai tàu này không phù hợp để điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Hai con tàu có 1.000 giường bệnh trước đó chỉ tiếp nhận vài chục bệnh nhân không nhiễm nCoV do quy định ngặt nghèo.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 809 người chết và 7.026 ca nhiễm mới, nâng tổng số nhiễm và tử vong lên lần lượt là 11.744 và 124.736. Nước này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số người đã hồi phục tại Tây Ban Nha là 34.219, tăng 3.706.
Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại. Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn nCoV, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.
Nhân viên y tế đưa một bệnh nhân khỏi xe cứu thương bên ngoài Bệnh viện Núi Sinai ở thành phố New York, Mỹ ngày 4/4. Ảnh: AFP . |
Italy xác nhận thêm 4.805 ca nhiễm mới, tăng nhẹ so với hôm trước, song số người chết sau 24 giờ tiếp tục giảm, xuống mức 681. Số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch tại Italy lần đầu giảm, từ 4.068 xuống 3.994, giới chức y tế nhận định đây là dấu mốc quan trọng cho phép các bệnh viện "lấy hơi" sau thời gian dài dồn sức đối phó với Covid-19.
Tuy nhiên, các quan chức Italy kêu gọi dân chúng tiếp tục tuân thủ lệnh phong tỏa do tình hình trong nước chưa trở lại bình thường. Chính quyền vùng Lombardy, tâm dịch tại Italy, tiếp tục yêu cầu dân chúng che miệng và mũi khi ra đường.
Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với phiên dịch 85.778 người dương tính với nCoV và 1.158 người chết, tăng lần lượt 6.082 và 141 so với hôm trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói "có chút hy vọng" khi số ca nhiễm và ca tử vong mới mỗi ngày có dấu hiệu tăng chậm lại, song còn quá sớm để nhận định xu hướng phát triển của đại dịch và chưa tới lúc nới lỏng các biện pháp phòng chống.
Giới chức Đức quyết định kéo dài lệnh đóng cửa trường học, đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu cùng hoạt động vui chơi giải trí ít nhất đến ngày 20/4. Dân Đức không được ra khỏi nhà trừ trường hợp cần thiết, bị cấm tập trung quá hai người và được yêu cầu luôn giữ khoảng cách 1,5 m với người khác. Các địa phương có quyền phạt tiền người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch.
Anh ghi nhận thêm 708 người chết vì nCoV, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong lên 4.313. Anh đã làm xét nghiệm cho 183.190 người, phát hiện thêm 3.735 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 41.903. Giám đốc y tế của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Stephen Powis cảnh báo số người chết tại Anh sẽ tiếp tục tăng trong "một vài tuần nữa".
Các cố vấn y tế chính phủ dự đoán Anh khó có thể nới lỏng phong tỏa tới ít nhất cuối tháng 5 do tình hình Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Nữ hoàng Anh Elizabeth II hôm nay sẽ có bài phát biểu trước cả nước về tình hình đại dịch.
Pháp công bố thêm 441 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 7.560, bao gồm những người qua đời tại bệnh viện và các viện dưỡng lão trên khắp cả nước. Số ca nhiễm mới tại Pháp là 7.788, tổng số người nhiễm là 89.953, vượt Trung Quốc với hơn 81.000 ca (tính đến 4/4).
Bộ trưởng Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết các bệnh viện nước này đã bớt áp lực dù còn 6.383 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, nhờ tận dụng toàn bộ nguồn lực có sẵn cùng số người hồi phục ngày một tăng. 15.438 người tại Pháp đã được xuất viện, hàng nghìn người điều trị tại nhà đã hồi phục.
Iran thông báo thêm 158 người chết, nâng tổng số lên 3.452, vượt Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết 55.743 người nhiễm nCoV ở nước này, trong đó 17.935 người đã hồi phục và 4.103 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Trung Quốc thông báo 81.699 ca nhiễm tại đại lục, tăng 30 ca, trong đó có 25 ca ngoại nhập và 5 ca nội địa. Tổng cộng 697 ca nhiễm ngoại nhập đã được ghi nhận, 18 ca trong tình trạng nguy kịch.
Thêm 3 người chết trong 24 giờ qua, toàn bộ ở tỉnh Hồ Bắc, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 3.329. Số ca nhiễm không có triệu chứng được theo dõi y tế tại Trung Quốc đại lục là 1.024, tăng 47 ca trong 24 giờ qua, trong đó gồm 16 ca ngoại nhập.
Hàn Quốc thông báo thêm 94 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 10.156, trong đó 177 người chết, tăng ba người so với hôm trước. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết hơn nửa số ca tử vong là bệnh nhân trên 80 tuổi.
Thêm 47 ca nhiễm ngoại nhập được phát hiện tại Hàn Quốc, nâng tổng số lên 688, trong đó có 57 người nước ngoài. Hàn Quốc đã thắt chặt biện pháp kiểm soát người nhập cảnh và yêu cầu họ cách ly bắt buộc tại nhà hoặc cơ sở do chính phủ chỉ định. Giới chức Hàn Quốc quyết định kéo dài các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 19/4 để ngăn nCoV lây lan.
Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Số người nhiễm nCoV tại Malaysia là 3.483, tăng 150 ca và cao nhất khu vực, trong đó 57 người chết. Philippines xác nhận 3.018 ca nhiễm, cao thứ hai khu vực, trong đó 144 người chết.
Indonesia là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực với 191 ca, tăng 10 ca so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.092, tăng 106 ca. Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 75 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.189, trong đó 6 người chết. Thái Lan thêm 89 ca nhiễm và một người chết vì nCoV, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 2.067 và 20.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, CNN, Reuters )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét